Online: 17  |   Yesterday: 1844  |   Total: 1734190
vi  en
Home > Chia sẻ > Tin tức - Nguồn từ Internet
Tin tức - Nguồn từ Internet

Ý kiến khác nhau về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng

Chuyên gia nhận định giữa năm 2021 "chưa phải thời điểm chín muồi" tăng lương tối thiểu vùng, tuy nhiên ý kiến từ Viện Công nhân Công đoàn nói cần "tăng ít nhất 6%".

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 từ ngày 1/7 thay vì hoãn cả năm. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục Thống kê cho rằng vấn đề này cần đặt trong bối cảnh chung về chính sách kinh tế - xã hội để cân nhắc ưu tiên nguồn lực. Quý IV/2020 dù có những khởi sắc về lao động, việc làm, nhưng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của Covid-19.

Theo số liệu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và làm thủ tục giải thể, tăng gần 14% với năm 2019. Bình quân mỗi tháng, gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

"Các con số cho thấy doanh nghiệp còn nhiều khó khăn", ông Vinh nói và cho rằng lúc này Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ, thoát khỏi nguy cơ phá sản và giữ việc làm cho người lao động.

Với người lao động, ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ hai hồi tháng 7 không mạnh bằng làn sóng thứ nhất hồi tháng 3. Chính sách hỗ trợ nên tập trung vào nhóm lao động bị giảm thu nhập sâu, mất việc làm. Ngoài ra cần thêm các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hình thức trợ cấp, mở rộng đào tạo hướng nghiệp cho lao động để góp sức vào quá trình phục hồi kinh tế.

"Chính sách tăng lương cần đặt trong bài toán tổng thể, để xem xét nguồn lực, thứ tự ưu tiên để có chính sách phù hợp, đảm bảo tính bền vững chung cho toàn xã hội", ông Vinh nói.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cũng đề nghị cân nhắc những tác động lan tỏa nếu tăng lương tối thiểu vùng. Dù tăng từ 1/7 hợp lý so với đầu năm, nhưng "vẫn chưa phải là thời điểm chín muồi" bởi nửa năm tới tình hình sẽ còn rối ren do dịch bệnh. Kinh tế Việt Nam trên đà bình phục song kinh tế thế giới thì chưa.

Bà Hương phân tích, nếu tăng lương mà doanh nghiệp không chịu đựng được dễ dẫn đến sa thải lao động, khiến thất nghiệp gia tăng. Trong khi việc làm của người lao động là thứ cần ưu tiên và giữ an toàn thời điểm này. Tăng lương tối thiểu còn tác động đến hệ thống tiền lương, kéo giá cả lên cao, đi kèm là chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn phí...

"Từng có tính toán nếu lương tối thiểu vùng tăng một thì phần tăng thêm chi phí của doanh nghiệp có thể lên gấp đôi, ba lần, dễ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp", bà Hương nói và đề xuất nếu tăng chỉ nên áp dụng cho một số nhóm lao động có mức lương quá thấp để họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Có ý kiến trái chiều, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, đồng tình với đề xuất của Tổng liên đoàn và nhấn mạnh "đáng lẽ cần điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng ngay từ đầu năm 2021". Việc này nếu thực hiện về thực chất cũng chỉ bù đắp được một phần mức trượt giá của giá trị tiền lương. Để cùng doanh nghiệp vượt qua Covid-19, thời gian qua công nhân đã "hy sinh" không ít về phúc lợi, tiền lương, tiền thưởng, giá trị bữa ăn ca.

"Phải nói thẳng rằng, một mặt bằng điều kiện lao động mới đã hình thành và rất tiếc nó đã bị thấp hơn so với cách đây một vài năm", ông Tiến nhận định.

Theo ông Tiến, các yếu tố tích cực trong kinh tế xuất hiện rõ nét vào cuối năm 2020, do vậy, giới chủ cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm và chia sẻ, bù đắp một phần cho người lao động. Doanh nghiệp muốn phục hồi sản xuất, trước tiên cần quan tâm và phát triển nguồn nhân lực. Với các chỉ số dự báo cho năm 2021, ông đánh giá lương tối thiểu vùng cần tăng ít nhất 4 - 6%.

Trước đó, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, dự kiến trong cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia vào đầu quý II năm nay, Tổng liên đoàn sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội để tiếp tục kiến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7.

Lương tối thiểu vùng năm 2020 hiện lần lượt ở mức vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất trên.

So với năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động ở ba khu vực kinh tế năm 2020 đều giảm. Thu nhập bình quân quý IV đạt 5,7 triệu đồng, giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có "cú sốc" Covid-19, con số này sẽ tăng khá cao so với các quý trước. Do Covid-19, thu nhập bình quân cả năm 2020 của người lao động chỉ đạt 5,5 triệu đồng, giảm 128.000 đồng so với năm trước. Lao động ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất 215.000 đồng, tiếp đến là nông lâm nghiệp và thủy sản, giảm 156.000 đồng, công nghiệp và xây dựng giảm 100.000 đồng.

Theo Hoàng Phương - VNExpress

 

 

·         Ý kiến khác nhau về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 

·         Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7

·         Quy định về mã số CMND của các tỉnh thành

·         Quy định về mã số thẻ căn cước công dân các Tỉnh Thành

·         Quy định về mã vùng điện thoại bàn, Mã vùng số điện thoại cố định, mã điện thoại các tỉnh

·         Quy ước ký hiệu viết tắt các tỉnh, mã bưu chính, mã điện thoại, ký hiệu về biển số xe các tỉnh thành

·         Mã bưu chính 63 tỉnh thành Việt Nam (Zip Postal Code) 2020

·         Bộ Luật Lao Động 2019 - Có hiệu lực 01/01/2021

·         The Labor Code 2019 - Effective Jan 01, 2021

 

Hệ thống đang xử lý. Vui lòng đợi!