Đang online: 8  |   Hôm qua: 1844  |   Lượt truy cập: 1734190
vi  en
Trang chủ > Giới thiệu > Bài viết cảm nhận về GTVH
 028. 3505 4224
Bài viết cảm nhận về GTVH

     1.  Bài cảm nhận 1:  Sự Chính Trực và Tinh thần tập thể

 

“Bài viết “Sự chính trực và Tinh thần tập thể” thuộc loạt bài viết cảm nhận của nhân viên Công ty TNHH Cung Ứng Nhân Lực Nhân Kiệt về 5 giá trị văn hóa của công ty; Chúng tôi xin phép được chia sẻ bài viết của bạn Nguyễn Tấn Lộc – Team IT ”

 

       “Ráng cố gắng học thật giỏi nha con, cực khổ thế nào Ba Mẹ cũng sẽ lo cho con ăn học nên người”- Đây là câu nói có lẽ sẽ theo tôi suốt cuộc đời này.

 

       Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh nghèo thuộc Miền Tây Nam Bộ, nơi mà mọi người thường gọi vui là nơi “khỉ ho cò gáy” nơi mà “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh”. Tuổi thơ tôi gắng liền với cánh đồng lúa bao la bát ngát, những chú trâu, những cánh diều, tình yêu thương của Mẹ và những lời ru ầu ơ là dấu ấn theo bước chân tôi đến khi khôn lớn nên người.

 

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

 

       Ngày tôi chuẩn bị bước chân vào giảng đường đại học có lẽ đó là ngày mà Ba Mẹ tôi là người vui nhất. Nhưng bên cạnh sự vui mừng và tự hào ấy tôi thoáng thấy một chút trầm tư mà tôi cũng đã mơ hồ nhận ra đó là chặn đường sau này, Ba Mẹ tôi, gia đình tôi sẽ thêm 1 phần gánh nặng. Bất chợt tôi thấy cay ở khóe mắt và trong lòng tự nhủ mình phải học thật tốt, phải sống thật tốt để không phụ những kỳ vọng mà gia đình đã đặt trọn niềm tin vào mình.

 

       Con đường tôi đi có thể chẳng trải đầy hoa hồng, nhưng chông gai, khó khăn, trở ngại sẽ khiến tôi vững bước hơn, để chuẩn bị hành trang bước vào cuộc đời rộng mở phía trước….

 

       Lần đầu bước chân lên Sài Gòn, hành trang tôi mang theo là những sợi tóc bạc trên mái đầu của Mẹ, những nếp nhăn trên trán của Ba và những bài học làm người mà tôi được truyền dạy từ thời tấm bé.

 

       Quãng đời Sinh viên của tôi năm đầu trôi qua cũng êm đềm và bình lặng. Nói đúng hơn là có phần “tẻ nhạt”, là một người ở tỉnh lẻ lên Sài Gòn ăn học nên còn rất nhiều bỡ ngỡ. Qua năm sau thì có phần dạn dĩ hơn, ngoài việc học tập tôi còn tích cực  tham gia các hoạt động tập thể khác nhiều hơn, quen bạn mới nhiều hơn, tranh thủ làm thêm để kiếm chút tiền trang trải chi phí học tập, sinh hoạt.

 

       Năm cuối chuẩn bị ra trường, tôi may mắn được nhận vào thực tập tại một công ty có vốn 100% của Nhật. Bước ngoặt cuộc đời tôi được thay đổi từ đó, sau khi thực tập xong và tốt nghiệp ra trường, công ty ấy đã gọi và nhận tôi vào làm nhân viên chính thức. Đây là niềm mơ ước của tôi khi còn ngồi trên ghế giảng đường, bởi tôi rất ngưỡng mộ phong cách làm việc của người Nhật từ rất lâu rồi.

 

       Sếp của tôi là một người Nhật đứng tuổi, có một vợ và hai con đều sống và làm việc tại Việt Nam, người mà tất cả chúng tôi đều yêu mến và kính trọng gọi thân mật là  “Bác”. Sau đó tôi dần dần học ngôn ngữ, tìm hiểu Văn hóa, đất nước con người Nhật Bản. Điều làm tôi ngạc nhiên là họ dùng rất nhiều Kính ngữ trong giao tiếp dù họ ở bất kỳ địa vị nào. Chính điều này làm tôi liên tưởng đến câu thành ngữ của họ:

 

       Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu – (みの)る程頭(ほどあたま)の下()がる稲穂(いな.

 

       Cây lúa ở Việt Nam thì không còn ai xa lạ gì. Khi lúa trổ bông thì nó vẫn vươn thẳng lên cho đến khi bông lúa có hạt thì bắt đầu trĩu dần xuống và đến khi lúa đã chín vàng cũng là lúc bông lúa nặng nhất và bị rủ xuống do trọng lượng của bông lúa lúc đó tăng lên. 

 

       Hình ảnh bông lúa chín thể hiện hình ảnh của con người Nhật Bản. Khi bông lúa còn nhỏ cho đến khi lúa ra bông tương ứng với người thanh niên chưa trưởng thành. Khi lúa bắt đầu phát triển bông lúa cũng là lúc người thanh niên trưởng thành. Càng về sau khi bông lúa chín dần cũng là lúc con người trưởng thành hơn.

 

       Giống như câu “Nước càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết nhiều càng khiêm nhường”.

 

       Thành công là nỗ lực của cả tập thể. Không ai có thể tự thành công. Người Nhật hiểu rõ điều này và nhấn mạnh việc mọi người làm việc cùng nhau là rất cần thiết. Họ luôn ưu tiên rằng tất cả mọi người đều có tiếng nói và đều chung một mục tiêu.

 

        Văn hóa công sở của người Nhật Bản nhấn mạnh sự tôn trọng và nhã nhặn. Họ sẽ tìm mọi cách để thể hiện rằng họ đang không áp đặt suy nghĩ của bản thân lên những người khác.

 

       Đối với người Nhật, họ luôn đúng giờ bởi vì đúng giờ chính là thể hiện sự tôn trọng mọi người. Đối với bất kỳ cuộc hẹn nào, người Nhật thường đến sớm một chút.

 

       Thật vậy, càng tiếp xúc với họ tôi càng khâm phục và ngưỡng mộ họ rất nhiều trong công việc cũng như trong cách họ cư xử khi giao tiếp với nhau. Nhờ vậy tôi đã thay đổi mình rất nhiều, biết lắng nghe, biết chia sẻ, sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh hơn.

 

       Sau này vì hoàn cảnh gia đình nên tôi phải thay đổi môi trường làm việc, thay đổi môi trường sống, chuyển về một thành phố khác với nhiều thử thách hơn. Điều đó làm tôi suy nghĩ rất lâu mới đưa ra được quyết định khó khăn ấy, trong lòng vẫn còn cảm giác hụt hẫng và đầy tiếc nuối. Tôi thầm cảm ơn Công ty đầu tiên đã cho tôi một môi trường làm việc chuyên nghiệp, một người Sếp tuyệt vời, những đồng nghiệp dễ mến.

 

       Về Công ty thứ hai cũng là Công ty tôi đang làm việc hiện tại, tôi nghĩ mình thật sự rất may mắn. 

 

       Ngày đầu tiên đến nhận việc tôi thật sự bị choáng ngợp, khác xa với những gì tôi hình dung lúc đầu. Công ty được tổ chức một cách rất chuyên nghiệp, mọi người đều vui vẻ hòa đồng, nhân viên được tạo mọi điều kiện tốt nhất để làm việc. Và đặc biệt hơn người đứng đầu Công ty, là “trái tim” của công ty, là người Sếp thứ 2 của cuộc đời tôi là một người rất tinh tế, làm việc rất khoa học bên cạnh đó là sự hài hước và lạc quan yêu đời. Tôi tự nhủ một môi trường làm việc tốt như thế thì tại sao mình không cống hiến hết mình.

 

       Công ty tôi hiện tại đang Quản lý và cung ứng hàng chục ngàn lao động cho các công ty xí nghiệp trên cả nước thì công tác tuyển chọn, quản lý và vận hành bộ máy là cả một vấn đề không hề đơn giản. Thế nhưng có nhiều khi Sếp tôi cũng tự đích thân giải quyết các thắc mắc cho từng người lao động, cung cấp những thông tin cần thiết đến người lao động khi được yêu cầu, điều này khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục. Công việc này đáng lý ra chỉ dành cho một bộ phận phụ trách chuyên biệt. Chúng tôi luôn được định hướng phong cách làm việc rõ ràng, thân thiện, có trách nhiệm và Chính trực. Trong đầu tôi chợt nhớ thoáng qua là mình đã từng đọc qua một bài báo nói về một trong những nhà đầu tư lỗi lạc nhất thế giới đó là Warren Buffett, CEO, Berkshire Hathaway. Bí quyết tuyển dụng nhân tài của ông ấy là “Có ba điều tôi cần xem xét khi tuyển dụng nhân viên.

 

       Thứ nhất là Chính trực, thứ hai là Thông minh, và thứ ba là tính Năng động cao. Nếu bạn không có điều thứ nhất thì hai điều kia sẽ giết chết bạn”.

 

       Được làm việc chung với Sếp mới, dần dần tôi đã rút ra được rất nhiều bài học bổ ích cho bản mình. Tôi thường tự đặt ra các câu hỏi cho bản thân và tự đi tìm câu trả lời cho chính mình :

 

     -  Tôi có thực sự trung thực khi giao tiếp với người khác không?

 

     -  Tôi có luôn nói đi đôi với làm

 

     -  Tôi có nhận thức được các giá trị bản thân và cảm thấy thích duy trì và phát huy  các giá trị đó

 

     -  Tôi có sẵn sàng tiếp nhận những sự thật hiển nhiên mới có thể khiến tôi phải thay đổi quan điểm hay thậm chí xác định lại các giá trị đạo đức của mình?

 

     -  Tôi có thường xuyên đặt ra và quyết tâm thực hiện những mục tiêu của mình?

 

       Bởi vì sự Chính Trực chính là đường lối và là Kim chỉ nam hoạt động của cả Công ty đang hướng đến. Thế thì muốn tập thể ấy lớn mạnh thì chúng ta phải luôn kiên trì với đường lối đó. Không chỉ trong công việc, sự Chính trực trong đời sống hàng ngày, trong cái cách chúng ta “đối nhân xử thế” sẽ giúp chúng ta được mọi người tôn trọng, xã hội tôn trọng và mang lại nhiều giá trị cốt lõi cho cuộc sống.

 

       Và không gì khác hơn đó chính là kết quả tôi làm việc được sẽ chứng minh rằng tôi đã thật sự hòa nhập vào tập thể đó chưa?!?

       Tôi phải tự đi tìm câu trả lời cho chính mình.

 Tác giả: LocNguyen

HCM, tháng 5/2021

 

     2.  Bài cảm nhận số 2: Chính Trực Và Chịu Trách Nhiệm

 

“Bài viết “Chính trực và chịu trách nhiệm” thuộc loạt bài viết cảm nhận của nhân viên Công ty TNHH Cung Ứng Nhân Lực Nhân Kiệt về 5 giá trị văn hóa của công ty; Chúng tôi xin phép được chia sẻ bài viết của bạn Nguyễn Hữu Nhật Minh – Giám Sát Nhân Sự - team BD1”

 

       Để góp phần hiểu rõ hơn về giá trị cốt lõi của công ty Nhân Kiệt, hôm nay tôi xin được nói về một trong các giá trị mà tôi thấy tâm đắc nhất, cũng là điều căn bản nhất mà tôi luôn nghĩ đến và gắng sức giữ gìn, nuôi dưỡng đắp bồi đó chính là giá trị cốt lõi “chính trực và chịu trách nhiệm”.

 

       Vậy chính trực và chịu trách nhiệm là gì? Sau đây tôi xin nêu một số quan điểm của mình để góp phần hiểu rõ hơn.

 

       Đối với cá nhân mỗi chúng ta sự chính trực là đức tính của sự trung thực và sự tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức một cách mạnh mẽ, là sự trung thực luôn gắn liền với đạo đức, bám chắc vào các nguyên tắc và chuẩn mực.

 

       Chính trực là làm điều đúng đắn, không khuyến khích hay ủng hộ cho hành vi thiếu trung thực và phi đạo đức trong kinh doanh

 

       Điển hình như sự chính trực trong nghề nghiệp của chúng ta được công ty  hướng đến là đạo đức ứng xử đối với các cấp lãnh đạo, đạo đức với công việc chúngta đang làm, đạo đức giữa đồng nghiệp nhân viên với nhau và cuối cùng là đạo đức với khách hàng vô cùng quan trọng, nó xây dựng nên uy tín cho bản thân chúng ta và uy tín, thương hiệu cho công ty Nhân Kiệt nơi chúng ta đang làm việc.

 

       Lấy ví dụ thực tế cho sự chính trực trong công việc của công ty: Công ty chúng ta là một công ty hàng đầu về cung ứng nhân lực lao động cho các công ty có nhu cầu, là một người nhân viên của công ty tôi được đào tạo và giao nhiệm vụ tuyển công nhân cho công ty cần nguồn lao động. Tiêu chí đầu tiên của công ty đưa ra là phải lắng nghe và tôn trọng khách hàng, làm đúng những yêu cầu mà chúng ta đã cam kết với khách hàng, nói không với gian dối và thiếu trung thực làm mất uy tín, còn tiêu chí của khách hàng sẽ là cần tuyển những công nhân đủ tuổi, có sức khỏe, làm việc hiệu quả, thời gian tuyển dụng nhanh. Chính tôi sẽ phải kiểm tra và chọn lọc từng người đủ các tiêu chí thì mới có thể giao nguồn lao động cho khách hàng, đúng với đạo đức nghề nghiệp và nguyên tắc trong công việc mà công ty đã trau dồi và đào tạo cho tôi, không vì một lý do nào khác mà giao người không đủ tuổi, quá tuổi hay không đủ khả năng làm việc để khách hàng không hài lòng và không đúng với sự chính trực mà công ty hướng đến.

 

       Tiếp theo là “chịu trách niệm”chúng ta luôn chịu trách nhiệm về những gì mình nói, dám nghĩ, dám làm. Nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiêm với nhiệm vụ của mình, đồng thời n lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy nhiệm vụ qua cho hoàn cảnh hay người khác, biết nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.

 

       Làm việc chểnh mảng hay cẩu thả không có trách nhiệm là nguyên nhân hàng đầu chúng ta dễ bị đào thải nhất cho nên tinh thần trách nhiệm trong công việc là yếu tố quan trọng hàng đầu để duy trì công việc lâu dài.

 

       Một khi làm sai điều gì đó phải đối diện với sự thật để tìm giải pháp thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả tốt hơn.

 

       Ví dụ như trong chính công việc hàng ngày của tôi là giám sát công nhân song song là tuyển dụng thêm lao động cho nhiều công ty khác nữa, tinh thần trách nhiệm luôn được đặt lên hàng đầu, hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời gian, nếu có sai xót sẽ nhận trách nhiệm và cùng nhau tìm ra giải pháp tốt hơn để hoàn thành công việc đúng và sớm nhất có thể.

 

       Cuối cùng tôi xin tự hào khẳng đinh rằng “chính trực và chịu trách nhiệm” là một trong những giá trị xây dựng nên danh tiếng, thương hiệu niềm tin đối với khách hàng của công ty Nhân Kiệt chúng tôi hôm nay.

 

Tác giả: MinhNguyen

HCM, tháng 5/2021

 

     3.  Bài cảm nhận số 3:  BẠN CÓ DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM?

 

     “Bài viết “Bạn có dám chịu trách nhiệm” thuộc loạt bài viết cảm nhận của nhân viên Công ty TNHH Cung Ứng Nhân Lực Nhân Kiệt về 5 giá trị văn hóa của công ty; Chúng tôi xin phép được chia sẻ bài viết của bạn Nguyễn Thị Quỳnh – GĐNS”

 

       Tôi gia nhập cùng Nhân Kiệt cách đây hơn 10 năm trước, vị trí đầu tiên tôi phụ trách là nhân viên nhân sự. Ngày đó công ty tôi khá sơ sài văn phòng thuê làm việc là căn nhà cấp 4, mái tôn mùa nắng thì nắng như bể đầu, mưa đến thì chỉ nghe tiếng nước trên mái tôn đổ xuống, có nói chuyện thì không biết ai nói với ai cái gì. Đồng phục chưa có, trang thiết bị, cơ sở vật chất thiếu thốn. Với sinh viên mới ra trường, vẫn luôn được gia đình bảo bọc, với bao ước mơ hoài bão khi về đây thấy thật lạ lẫm.

 

       Giờ nhìn lại, tôi mới nhận ra rằng chính môi trường ấy, trải nghiệm ấy đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức, cho tôi sự tự tin và vị trí như ngày hôm nay. Từ những cái khó khăn ấy công ty tôi không ngừng phấn đấu, chuyển mình trở thành một trong những đơn vị có dịch vụ hàng đầu được khách hàng lựa chọn đầu tiên và lâu dài.

 

       Nhắc lại câu chuyện tôi đang nói trên về sự chịu trách nhiệm, tôi muốn chia sẻ lại câu chuyện từ chính tôi đã trải qua.

 

       Những tháng đầu vào nhận việc, công việc tôi đơn giản lắm, tôi không biết mình phải làm gì trong khi các anh chị khác lúc nào cũng đầu tắp mặt tối, khi hỏi anh chị cần phụ việc gì không thì hầu như câu trả lời không cần hoặc làm mấy việc lặt vặt soạn giấy tờ, phụ chia lương, thời gian sau thì tôi được sếp giao việc phụ sếp liên hệ khách hàng, phải nói toàn mấy công việc chẳng liên quan đến những gì đã học - rất chán nản, nhiều lúc ngồi nghĩ đi làm mà không làm gì lãnh lương kỳ quá, tối ngày nhìn sắc mặt, nhìn mọi người cặm cụi làm mà thấy ngại, hay mình nghỉ đi cho rồi.

 

       Khoảng 4 tháng làm quen, thì cơ hội đã đến, khi đó công ty ký HĐDV với khách hàng mới, tôi được chị TP giao việc quản lý nhân viên và tính lương, công việc có liên quan tý chuyên ngành tính toán tôi rất vui. Lần đầu nhận công việc được chị ấy trao đổi cách làm, rồi mày mò tìm hiểu tôi đã biết làm như thế nào, cần làm gì. Đúng kỳ lương tôi làm nhanh lắm: số liệu từng người đúng, tính tay chính xác, cứ thế in cho chạy. Nhưng không như tôi nghĩ, khi gửi ra ngân hàng lỗi toàn tập, lương người này nhảy qua người kia, do cột số tài khoản tôi không dò lại bị nhảy dòng, file gửi đi chưa dán cố định.  

 

       Khi đó tôi đã từng có ý nghĩ nếu sếp hỏi thì mình trả lời như thế nào, và tôi nghĩ ra cả ngàn lý do: do chị TP chưa hướng dẫn hết cho em cần phải làm thế nào, các sheet liên kết với nhau ra sao, chị ấy không check lại trước khi em gửi đi….. tôi là người mới mà việc này không liên quan tới tôi đâu, có sếp đứng ra rồi…cái suy nghĩ lúc ấy chỉ mong muốn làm sao tìm đủ cách để lấp liếm, chối bỏ trách nhiệm mình thôi. Vậy mà tình huống hôm sau đơn giản lắm, sếp và chị TP không ai nói gì chỉ hướng dẫn tôi cách làm: kiểm tra lại file có bị link và cần dán cố định gửi ra ngân hàng.

 

       Thời gian ấy tôi chưa nhận ngay được hành vi của mình, phải sau này khi đã làm nhiều công việc tôi mới hiểu ra rằng tôi đã quá tự tin để tự làm, không hỏi rõ về quy trình cần làm là gì, chưa chủ động nhờ đồng nghiệp, cấp trên hỗ trợ, chưa chịu trách nhiệm với công việc đã làm mà chỉ lo sợ tìm cách lấp liếm đổ lỗi cho vấn đề.

 

       Dần dần, nhìn cách sếp tôi truyền đạt, cách anh/ chị làm, tôi đã tự tập cho mình thói quen chịu trách nhiệm với các vấn đề thay vì chỉ ngồi suy nghĩ bao biện, đổ lỗi, lúc nào cũng đau đầu đối phó vấn đề. Việc tạo thói quen này giúp tôi có sự chủ động trong mọi công viêc, hiệu quả hơn và hòa đồng cùng đồng nghiệp. Và khi mình có trách nhiệm thì đồng nghiệp nhân viên mình cũng sẽ tin tưởng và kính trọng.

 

       Hiện tại, khi bạn hỏi tôi có dám chịu trách nhiệm không, tôi sẽ trả lời rằng, tôi chịu hoàn toàn sẽ chịu trách nhiệm đến cùng về những việc tôi đã làm,hoặc tôi đã không làm để ra kết quả này.

 

Tác giả: QuynhNguyen

HCM, tháng 5/2021

 

       4.  Bài cảm nhận số 4: Chính Trực Và Chịu Trách Nhiệm

 

“Bài viết “Chính trực và chịu trách nhiệm” thuộc loạt bài viết cảm nhận của nhân viên Công ty TNHH Cung Ứng Nhân Lực Nhân Kiệt về 5 giá trị văn hóa của công ty; Chúng tôi xin phép được chia sẻ bài viết của bạn Nguyễn Thị Hà – team BHXH - HR”

 

       Chiều thứ Bảy, sau tiếng gọi báo hiệu giờ tan sở. Mọi người thu dọn bàn làm việc ra về. Ở Công ty tôi, luôn giữ năng lượng tích cực và văn hóa vui vẻ, nên dù đã xuống nhà xe, tiếng cười vẫn giòn giã. Ngày ấy như một cơ duyên. Tôi trúng tuyển vào Công ty Cung ứng Nhân Lực Nhân Kiệt. Công việc của tôi chủ yếu là quản lý Bảo hiểm, xử lý nghiệp vụ, làm chế độ, phúc lợi liên quan đến Bảo hiểm cho người lao động.

 

       Tối nay, tôi chưa có kế hoạch gì, nên cứ thong thả lái xe. Tôi thích cảnh chiều trên đường đi làm về. Nắng đã nhạt, những ngọn gió mát lạnh, nhẹ nhàng thổi qua kẽ lá. Tiếng chim non ríu rít chờ mẹ về thăm sau một ngày dài. Hôm nay, tôi quyết định tự thưởng cho mình một ly trà sữa và đi dạo công viên. Công viên tôi hay ghé chơi, phía sau một chung cư lớn. Mùa này, tụi trẻ con sống ở chung cư hay ra đây thả diều. Cánh diều lại khiến tôi nhớ về tuổi thơ, nhớ về những kỉ niệm đẹp. Bỗng! Điện thoại tôi đổ chuông, một số lạ, như một thói quen. Tôi bắt máy trả lời:

 

     -  “Dạ! Alo! Công ty Cưng ứng nhân lực Nhân Kiệt nghe ạ”

 

Đầu dây bên kia là một người phụ nữ, giọng Bắc nhẹ nhàng nói:

 

     -  “Cho mình hỏi, bạn phụ trách Bảo hiểm xã hội Công ty Nhân Kiệt phải không?”

 

     -  Tôi đáp: “Dạ đúng rồi, chị liên hệ có vấn đề gì không chị?”

 

     -  Người phụ nữ nói tiếp: “Mình có việc này, muốn nhờ bạn giúp đỡ?”

 

     -  Tôi chậm lại một giây, thoáng qua một suy nghĩ, rồi bất giác trả lời: “Dạ em đang nghe!”

 

       Giọng nghẹn ngào, người phụ nữ run run:

 

     -  “Hiện tại mình đang nghỉ thai sản. Đợt này, gia đình mình đang gặp chuyện. Cần một khoản tiền lớn. Lương đóng Bảo hiểm của mình đang ở mức 4.729.400đ. Lãnh tiền thai sản được khoảng: 31 triệu. Người phụ nữ, bối rối nói tiếp: “Bạn có thể điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm 6 tháng trước khi sinh của mình lên 7 triệu được không? “Mình tính ra số tiền chênh lệch khoảng: 14 triệu. Mình gửi bạn 4 triệu để bạn uống nước! Công ty bạn lớn, bạn giúp mình không ảnh hưởng gì đâu, gia đình mình gặp chuyện, nên mình rất mong bạn giúp”.

 

       Tôi nói chậm lại, giải thích cho chị ấy hiểu và không do dự tôi đáp:

 

     -  “Dạ, xin lỗi chị em không thể giúp chị việc này. Bởi bản thân em không cho phép mình làm điều đó. Tiền thì ai cũng cần, nhưng kiếm tiền bằng sự chính trực và trách nhiệm thì đồng tiền đó mới lâu dài được chị ạ”. Việc em làm, sẽ ảnh hưởng đến uy tín Công ty, ảnh hưởng đến quản lý em và cả đồng nghiệp em nữa, nên mọi việc em làm luôn phải đi đối với trách nhiệm và lợi ích công ty. Chị thông cảm giúp em!

 

       Người phụ nữ cố gắng thuyết phục tôi, nhưng tôi không thay đổi quyết định

 

       Một lát sau người phụ nữ lặng lẽ cúp máy

 

       Tôi trở về nhà, trong lòng đầy vui vẻ.

 

Tác giả: HaNguyen

HCM, tháng 5/2021

 

 Đọc thêm:

     <<Giá trị văn hóa “Tận Tâm vì khách hàng”>>

     <<Giá Trị Văn Hóa “Chính Trực Và Chịu Trách Nhiệm”>>

     <<Giá trị văn hóa “Tinh Thần Tập Thể”>>

     <<Giá trị văn hóa “Tôn Trọng Con Người”>>

     <<Giá trị văn hóa “Tự chủ và hiệu quả”>>