Đang online: 11  |   Hôm qua: 1843  |   Lượt truy cập: 1734102
vi  en
Trang chủ > Chia sẻ > Thương mại điện tử | Ecommerce | TMĐT
 028. 3505 4224
Thương mại điện tử | Ecommerce | TMĐT

Nghị định 57/2006/NĐ-CP - VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ | Ecommerce

Nghị định số Số: 57/2006/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 09/06/2006 và hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây về giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 57/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2006 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này áp dụng đối với việc:

1. Sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn áp dụng Luật Thương mại và Nghị định này.

3. Các quy định của Nghị định này không áp dụng đối với việc sử dụng chứng từ điện tử là hối phiếu, lệnh phiếu, vận đơn, hoá đơn gửi hàng, phiếu xuất nhập kho hay bất cứ chứng từ có thể chuyển nhượng nào cho phép bên nắm giữ chứng từ hoặc bên thụ hưởng được quyền nhận hàng hóa, dịch vụ hoặc được trả một khoản tiền nào đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Thương nhân sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại.

2. Tổ chức, cá nhân khác sử đụng chứng từ điện tử trong hoạt động có liên quan đến thương mại.

Điều 3. Giải thích từ, ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Chứng từ" là hợp đồng, đề nghị, thông báo, tuyên bố, hóa đơn hoặc tài liệu khác do các bên đưa ra liên quan tới việc giao kết hay thực hiện hợp đồng.

2. “Chứng từ điện tử” là chứng từ ở dạng thông điệp dữ liệu.

3. "Thông điệp dữ liệu” là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận hoặc được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

4. "Người khởi tạo" là bên, hoặc người đại diện của bên đó, đã tạo ra hoặc gửi đi chứng từ điện tử trước khi lưu trữ nó. Người khởi tạo không bao gồm bên hoạt động với tư cách là người trung gian liên quan tới chứng từ điện tử.

5. "Người nhận" là bên nhận được chứng từ điện tử theo chủ ý của người khởi tạo. Người nhận không bao gồm bên hoạt động với tư cách là người trung gian liên quan tới chứng từ điện tử.

6. "Hệ thống thông tin" là hệ thống được tạo lập để gửi, nhận, lưu trữ, hiển thị hoặc thực hiện các xử lý khác đối với thông điệp dữ liệu.

7. "Hệ thống thông tin tự động" là chương trình máy tính, phương tiện điện tử hoặc tự động được sử dụng để khởi đầu một hành động hay phản hồi các thông điệp dữ liệu nhưng không có sự can thiệp hoặc kiểm tra của con người mỗi lần một hành động được khởi đầu hoặc một phản hồi được tạo ra bởi hệ thống.

8. “Địa điểm kinh doanh" là cơ sở cố định để tiến hành hoạt động kinh doanh, không bao gồm cơ sở cung ứng tạm thời hàng hóa hay dịch vụ.

Điều 4. Địa điểm kinh doanh của các bên

1. Địa điểm kinh doanh của mỗi bên là địa điểm do bên đó chỉ ra, trừ khi bên khác nêu rõ bên đó không có địa điểm kinh doanh tại địa điểm này.

2. Trong trường hợp một bên có nhiều địa điểm kinh doanh nhưng không chỉ ra địa điểm kinh doanh nào thì địa điểm kinh doanh là địa điểm có mối quan hệ mật thiết nhất với hợp đồng liên quan xét tới mọi bối cảnh trước và tại thời điểm giao kết hợp đồng.

3. Trong trường hợp cá nhân không có địa điểm kinh doanh thì địa điểm kinh doanh là nơi cư trú của cá nhân đó.

4. Một địa điểm không được coi là địa điểm kinh doanh nếu địa điểm đó chỉ là nơi đặt máy móc, thiết bị công nghệ của hệ thống thông tin do một bên sử dụng để giao kết hợp đồng, hoặc chỉ là nơi các bên khác có thể truy cập hệ thống thông tin đó.

5. Một địa danh gắn với tên miền hay địa chỉ thư điện tử của một bên không nhất thiết liên quan tới địa điểm kinh doanh của bên đó.

Điều 5. Nội dung quản lý nhà nước về thương mại diện tử

Nội dung quản lý nhà nước về thương mại điện tử bao gồm:

1. Ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển thương mại điện tử.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử.

3. Ban hành các tiêu chuẩn về thương mại điện tử.

4. Tổ chức đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử, thực hiện các hoạt động hỗ trợ ứng đụng thương mại điện tử.

5. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại điện tử, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.

6. Tổ chức, quản lý hợp tác quốc tế về thương mại điện tử.

Điều 6. Quản lý nhà nước về thương mại điện tử

1. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện việc quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Chương 2:

GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ

Điều 7. Giá trị pháp lý

Chứng từ không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì chứng từ đó là chứng từ điện tử.

Điều 8. Giá trị pháp lý như văn bản

Chứng từ điện tử có giá trị pháp lý như văn bản nếu thông tin chứa trong chứng từ điện tử đó có thể truy cập được để sử dụng khi cần thiết.

Điều 9. Giá trị pháp lý như bản gốc

1. Chứng từ điện tử có giá trị pháp lý như bản gốc nếu thỏa mãn đồng thời cả hai điều kiện sau:

a) Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là chứng từ điện tử hay dạng khác.

b) Thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.

2. Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị chứng từ điện tử.

3. Tiêu chuẩn về sự tin cậy được xem xét phù hợp với mục đích thông tin được tạo ra và mọi bối cảnh liên quan.

Điều 10. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Chứng từ điện tử được coi là có chữ ký của một bên nếu:

1. Đã sử dụng một phương pháp để xác nhận được bên ký chứng từ điện tử và xác nhận sự chấp thuận của bên đó đối với thông tin chứa trong chứng từ điện tử được ký.

2. Phương pháp nói trên đủ tin cậy cho mục đích tạo ra và trao đổi chứng từ điện tử xét tới mọi bối cảnh và thỏa thuận liên quan.

Chương 3:

CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

Điều 11. Thời điểm, địa điểm gửi và nhận chứng từ điện tử

1. Thời điểm gửi một chứng từ điện tử là thời điểm chứng từ điện tử đó rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay đại diện của người khởi tạo. Trong trường hợp chứng từ điện tử không rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay đại diện của người khởi tạo, thời điểm gửi là thời điểm nhận được chứng từ điện tử.

2. Thời điểm nhận một chứng từ điện tử là thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử đó tại một địa chỉ điện tử đo người nhận chỉ ra. Thời điểm nhận một chứng từ điện tử ở địa chỉ điện tử khác của người nhận là thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử tại địa chỉ này và người nhận biết rõ chứng từ điện tử đã được gửi tới địa chỉ này.

Người nhận được coi là có thể truy cập được một chứng từ điện tử khi chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử của người nhận.

3. Địa điểm kinh doanh của người khởi tạo được coi là địa điểm gửi chứng từ điện tử và địa điểm kinh doanh của người nhận được coi là địa điểm nhận chứng từ điện tử.

4. Khoản 2 Điều này áp dụng trong cả trường hợp khi địa điểm của hệ thống thông tin hỗ trợ địa chỉ điện tử có thể khác với địa điểm chứng từ điện tử được coi là nhận được theo khoản 3 Điều này.

Điều 12. Thông báo về đề nghị giao kết hợp đồng

Một thông báo bằng chứng từ điện tử về đề nghị giao kết hợp đồng mà không có bên nhận cụ thể thì chưa được coi là đề nghị giao kết hợp đồng, trừ khi bên thông báo chỉ rõ trong thông báo đó trách nhiệm của mình trong trường hợp nhận được trả lời chấp nhận.

Điều 13. Sử dụng hệ thống thông tin tự động

Hợp đồng được giao kết từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động và một cá nhân, hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau, không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay hợp đồng được giao kết.

Điều 14. Cung cấp các điều khoản của hợp đồng

Trong trường hợp thông qua các hệ thống thông tin, một bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng và bên được đề nghị có thể tiếp cận được đề nghị đó thì trong khoảng thời gian hợp lý bên đưa ra đề nghị phải cung cấp cho bên được đề nghị chứng tù điện tử hoặc các chứng từ liên quan khác chứa những nội dung của hợp đồng. Các chứng từ này phải thỏa mãn điêu kiện lưu trữ và sử dụng được.

Điều 15. Lỗi nhập thông tin trong chứng từ điện tử

1. Trường hợp một cá nhân mắc phải lỗi nhập thông tin trong một chứng từ điện tử được sử dụng để trao đổi với hệ thống thông tin tự động của bên khác nhưng hệ thống thông tin tự động này không hỗ trợ cho cá nhân đó sửa lại lỗi thì cá nhân đó hoặc người đại diện của mình có quyền rút bỏ phần chứng từ điện tử có lỗi nếu tuân thủ hai điều kiện sau:

a) Ngay khi biết có lỗi, cá nhân hoặc đại diện của cá nhân đó thông báo cho bên kia về lỗi và nêu rõ mình đã mắc phải lỗi trong chứng từ điện tử này.

b) Cá nhân hoặc đại diện của cá nhân đó vẫn chưa sử dụng hoặc có được bất kỳ lợi ích vật chất hay giá trị nào từ hàng hóa hay dịch vụ nhận được từ bên kia.

2. Quyền rút bỏ phần chứng từ điện tử có lỗi không ảnh hưởng tới việc áp dụng pháp luật quy định về hậu quả các lỗi phát sinh ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương 4:

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 16. Hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử

1. Ngăn cản, hạn chế khả năng của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng chứng từ điện tủ.

2. Ngăn cản, hạn chế khả năng của tổ chúc, cá nhân trong việc lựa chọn công nghệ, phương tiện điện tử để tiến hành hoạt động thương mại.

3. Thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, di chuyển trái phép, giả mạo, chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ chứng từ điện tử.

4. Xâm phạm, phá hoại hệ thống thông tin sử dụng cho hoạt động thương mại điện tử.

5. Khởi tạo, gửi, truyền, nhận, xử lý các chứng từ điện tử nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

6. Các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan tới sử dụng chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Xử lý vi phạm pháp luật về thương mại điện tử

1. Thương nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Chương 5

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây về giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 19. Hướng dẫn thi hành

1. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ hướng dẫn chi tiết việc sử dụng chứng từ điện tử trong các hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại theo quy định của Nghị định này và pháp luật hiện hành.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

                            

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TUỚNG
 
 
 
 
Phan Văn Khải

 

 

 
Thương mại điện tử - Ecommerce (TMĐT) Việt Nam - thách thức đầu xuân
Thương mại điện tử - Ecommerce (TMĐT) Việt Nam - thách thức đầu xuân
Con số trên 97% các doanh nghiệp Việt Nam chưa ứng dụng Thương mại điện tử - Ecommerce (TMĐT) hoặc xây dựng website rất đáng suy nghĩ.
 
Thương mại điện tử - Ecommerce (TMĐT) cá nhân ở VN chỉ là rao vặt
Thương mại điện tử - Ecommerce (TMĐT) cá nhân ở VN chỉ là rao vặt
Giao dịch qua mạng giữa người tiêu dùng với nhau phổ biến nhất là đăng tải, quảng bá thông tin sản phẩm. Sau đó, thủ tục để hoàn tất cuộc mua bán lại được thực hiện phi trực tuyến. Không có thanh toán online, mô hình C2C ở VN ở tình trạng nửa vời.
 
Doanh nghiệp thương mại điện tử - Ecommerce (TMĐT) loay hoay tìm lối ra
Doanh nghiệp thương mại điện tử - Ecommerce (TMĐT) loay hoay tìm lối ra
Có khá nhiều ưu thế so với kênh bán hàng truyền thống, không bị giới hạn về không gian, tiếp cận được với khách hàng và đối tác trên khắp thế giới, có thể cung cấp dịch vụ 24/24 giờ, thương mại điện tử đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn ở phía trước.
 
Đào tạo nguồn nhân lực cho Thương mại điện tử (TMĐT) Ecommerce
Đào tạo nguồn nhân lực cho Thương mại điện tử (TMĐT) Ecommerce
“Thương mại điện tử - Ecommerce (TMĐT) là một công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng quản lý các giao dịch bằng thương mại điện tử là một nhu cầu cấp bách hiện...
 

 

Thương mại điện tử (TMĐT)  và cơ hội cho các hãng giao vận tại Việt Nam
Thương mại điện tử (TMĐT) và cơ hội cho các hãng giao vận tại Việt Nam
Thương mại điện tử - Ecommerce (TMĐT) Việt Nam được dự báo tăng trưởng 30-50% mỗi năm, đây sẽ là cơ hội cho sự phát triển của các ngành dịch vụ giao vận. Các hãng này sẽ đối mặt với những cơ hội và thách thức gì?
 
Giải bài toán thiếu nhân lực ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam khi thời đại công nghệ 4.0 đến ngày càng gần?
Giải bài toán thiếu nhân lực ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam khi thời đại công nghệ 4.0 đến ngày càng gần?
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá về mức độ hấp dẫn đứng thứ 6 trên thế giới, trong khu vực chỉ sau Trung Quốc và Malaysia. Các chuyên gia dự đoán rằng trong vòng 5-7 năm tới, Thương mại điện tử - Ecommerce TMĐT tăng trưởng ít nhất 10 lần, lạc quan sẽ là 20 lần.
 
Nhân lực thương mại điện tử (TMĐT) - Vẫn là bài toán khó!
Nhân lực thương mại điện tử (TMĐT) - Vẫn là bài toán khó!
Các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị nhất định cho việc khai thác kênh xúc tiến bán hàng đầy tiềm năng qua Thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân sự phù hợp có kiến thức và các kỹ năng kinh doanh trực tuyến để có thể tiến hành giao dịch vẫn đang là bài toán khó giải...

 

 

 

 

 

 

Hệ thống đang xử lý. Vui lòng đợi!